Tìm hiểu về cà phê Cold Brew
Hầu hết chúng ta đều dùng nước nóng để pha cà phê, nhưng ít ai biết rằng có một loại cà phê dùng nước lạnh để pha, được gọi là cold brew. Cùng Epicure tìm hiểu về phương pháp pha chế đặc biệt này nhé!
1. Cà phê Cold Brew là gì?
Khi nghe thấy cà phê lạnh, hẳn bạn sẽ nghĩ chẳng có gì đặc biệt, cũng giống như cà phê đá của Việt Nam hoặc một số loại cà phê ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều pha cà phê với nước nóng sau đó thêm đá vào. Với Cold Brew, cà phê được pha và thưởng thức bằng nước lạnh.
Cold Brew Coffee thường được biết đến với cái tên cà phê lạnh, hay cà phê được ủ lạnh. Cold Brew là cách pha cà phê khá độc đáo, sử dụng nước lạnh hoặc nhiệt ở nhiệt độ phòng ủ bột cà phê trong một thời gian kéo dài từ 16-24 tiếng đồng hồ liên tục. Trong quá trình hãm, cà phê sẽ được chiết suất hết từ bã cà phê, cho hương vị mượt mà, vị chua giảm đi. Cà phê Cold Brew cũng đậm đặc hơn so với cà phê thông thường nhờ thời gian chiết suất lâu, quá trình diễn ra chậm. Phương pháp Cold Brew cũng chiết suất được nhiều phẩm chất tự nhiên của cà phê rang xay nguyên chất.
2. Đặc điểm của phương pháp Cold Brew
Phương pháp pha cà phê Cold Brew tương đối đơn giản, dễ làm. Bạn chỉ cần chuẩn bị nước ở nhiệt độ thường hoặc nước lạnh và bột cà phê nguyên chất xay tươi. Thay vì chuẩn bị những dụng cụ pha như máy pha cà phê, phin,…bạn có thể chuẩn bị một trong số 3 dụng cụ pha chế Cold Brew sau:
- Hũ thủy tinh có nắp thiếc
Đây là dụng cụ đơn giản, dễ tìm nhất để pha cà phê bằng phương pháp Cold Brew. Điều kiện của chiếc hũ này là phải thật kín để không mất đi mùi cà phê, hoặc không bị mùi lạ từ bên ngoài xâm chiếm.
- Dụng cụ pha cà phê French Press
- Thiết bị pha cà phê Cold Brew chuyên dụng
Bạn sẽ phải chờ một khoảng thời gian dài, đôi khi lên đến 24 tiếng đồng hồ để thưởng thức cà phê. Bù lại, cà phê được pha theo phương pháp Cold Brew có thể được bảo quản trong thời gian dài hơn so với các phương pháp pha chế khác. Có thể bạn sẽ bất ngờ khi nghe điều này, bạn có thể giữ cà phê Cold Brew trong tủ lạnh từ 2-4 tuần, tuy nhiên với cà phê Hot Brew bạn chỉ có thể bảo quản chỉ 1 ngày. Nhờ phương pháp pha chế độc đáo, cà phê Cold Brew mang trong mình hương vị mượt mà ấn tượng, ít chua, ít gắt và cảm nhận được mùi vị tự nhiên của cà phê rang hạt.
3. Vì sao hương vị cà phê Cold Brew khác biệt?
Trong hạt cà phê chứa nhiều thành phần dầu tự nhiên, hợp chất hóa học và các chất axit khác nhau, đây đều là những hợp chất hòa tan. Trong quá trình pha, những chất hóa học này sẽ chiết suất ra. Tùy thuộc vào nhiệt độ, áp suất, cách pha,… nồng độ các chất này chiết suất ra sẽ khác nhau, tạo nên những hương vị cà phê khác nhau.
Lý giải lý do vì sao cà phê pha bằng nước nóng (Hot Brew Coffee) được ưa chuộng hơn, bởi không chỉ thời gian chiết suất nhanh, mà các chất hòa tan có trong bột cà phê cũng được hòa tan tốt hơn. Nhờ vậy, cà phê Hot Brew có body đầy hơn, hương vị phong phú hơn hẳn. Tuy nhiên, việc các chất hòa tan thật nhiều vào cà phê chưa hẳn là điều hoàn toàn tốt. Các chất hòa tan nhanh hơn, đồng thời cũng bốc hơi nhanh hơn vào không khí. Nước nóng khiến một số hợp chất có trong cà phê bị oxy hóa, tăng cường vị chua và đắng cho cà phê.
Nếu bạn không phải là fan của một tách cà phê chua và đắng, bạn có thể thử cà phê Cold Brew. Quá trình oxy hóa giờ đây được diễn ra chậm hơn, vì vậy vị chua và đắng của cà phê cũng không quá đậm đà. Tuy nhiên, với phương pháp pha Cold Brew, bạn sẽ phải sử dụng nhiều bột cà phê hơn so với phương pháp Hot Brew. Và vì nhiệt độ nước của Cold Brew không phải nhiệt độ thích hợp để hòa tan các chất có trong hạt cà phê, bạn sẽ phải chờ đợi trong thời gian dài, nhưng kết quả có vẻ không như kỳ vọng. Nhiệt độ của nước làm mất đi khá nhiều mùi hương nên cà phê Cold Brew có hương thơm nhẹ hơn so với cà phê Hot Brew. Cà phê Cold Brew cũng được đánh giá là kém cạnh cả về mùi vị lẫn hương thơm so với cà phê Hot Brew, mặc dù nó được bán với giá cao hơn. Người ta hay đùa rằng đó là cái giá của sự chờ đợi, và tốn nhiều nguyên liệu hơn so với Hot Brew.